Thông Điệp “Spe salvi"

 

 

Nội Dung Bức về Niềm Hy Vọng Cứu Độ của ĐTC Biển Đức XVI

 

Bức Thông Điệp thứ hai của ĐTC Biển Đức XVI, “Spe Salvi – Hy Vọng Cứu Độ” tập trung vào đề tài niềm hy vọng Kitô Giáo được ban hành ngày 30/11/2007. Bản văn kiện này, bao gồm phần dẫn nhập và 8 chương, được bắt đầu bằng câu của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Rôma: ‘spe salvi facti sumus – chúng ta được cứu độ trong hy vọng’.

Nhan đề của các chương thứ tự như sau:

I- Đức Tin là Niềm Hy Vọng;

II- Quan Niệm về Niềm Hy Vọng Dựa Vào Đức Tin trong Tân Ước và Giáo Hội Sơ Khai;

III- Sự Sống Đời Đời – Là Gì?;

IV- Phải chăng Niềm Hy Vọng của Kitô Giáo là có Tính Cách Cá Nhân Chủ Nghĩa?;

V- Việc Biến Đổi của Niềm Hy Vọng theo Đức Tin trong Thờiø Đại Tân Tiến;

VI- Hình Thái Đích Thực của Niềm Hy Vọng Kitô Giáo;

VII- ‘Những Khung Cảnh’ để Học Hỏi và Thực Hành Niềm Hy Vọng:

    1) Cầu Nguyện là một Học Đường Dạy Hy Vọng,

    2) Hoạt Động và Khổ Đau là những Khung Cảnh Học Hỏi Hy Vọng,

    3) Phán Xét là một Khung Cảnh Học Hỏi và Thực Hành Hy Vọng;

VIII- Mẹ Maria là "Ánh Sao của Niềm Hy Vọng”.

(Phụ Trương - do người dịch bản Việt Ngữ này tự động thêm vào từ những góp nhặt những lời của ĐTC nói về Bức Thông Điệp này)

Đức Thánh Cha đã giải thích trong phần Dẫn Nhập là “theo đức tin Kitô Giáo thì ‘việc cứu chuộc’ – việc cứu độ – không phải chỉ là một tặng ban. Ơn cứu chuộc được cống hiến cho chúng ta ở chỗ chúng ta nhận lãnh niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin tưởng, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại của mình: một thứ hiện tại, thậm chí gian khổ, vẫn có thể sống và chấp nhận nếu nó dẫn tới đích điểm, nếu chúng ta có thể tin chắc chắn vào đích điểm này, và nếu đích điểm này cao cả vừa với tầm nỗ lực cho cuộc hành trình này”.

Bởi thế, “một đặc điểm nổi bật của Kitô hữu” đó là “sự kiện họ có một tương lai:… họ biết… rằng đời sống của họ sẽ không kết thúc một cách vô ích…. Phúc Âm không phải chỉ là một cuộc truyền đạt những điều có thể biết được – nó là điều làm cho các sự vật xẩy ra và làm đổi thay đời sống. Cánh cửa tối tăm của thời gian, của tương lai, đã được mở toang ra. Người nào hy vọng thì sống khác biệt, người nào hy vọng thì được ban cho tặng ân của sự sống mới”.

“Việc tiến tới chỗ nhận biết Thiên Chúa – Vị Thiên Chúa chân thực – nghĩa là việc lãnh nhận niềm hy vọng”. Điều này được các Kitô hữu sơ khai hiểu một cách rõ ràng, chẳng hạn như Giáo Đoàn Êphêsô, thành phần trước khi gặp gỡ Chúa Kitô đã có nhiều thần linh mà lại “chẳng có hy vọng gì”. Vấn đề Kitô hữu cựu trào gặp phải”, ĐTC nói, đó là họ “đã trở thành quan thuộc với, … đã hầu như không còn thấy được rằng chúng ta chiếm hữu một niềm hy vọng xuất phát từ cuộc gặp gỡ thực sự với vị Thiên Chúa này”.

Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở rằng Chúa Giêsu “không tung ra một sứ điệp về một cuộc cách mạng xã hội” như Spartacus, và “Người không lao mình vào m ột cuộc chiến giải phóng chính trị như Barabbas ở Bar-Kochba”. Người đã mang lại “một cái gì đó hoàn toàn klhác hẳn… một cuộc hội ngộ với Vị Thiên Chúa hằng sống, … một cuộc hội ngộ bằng niềm hy vọng mãnh liệt hơn khổ đau của sự nô lệ, một niềm hy vọng bởi thế biến đổi đời sống và thế giới từ bên trong,… thậm chí những cấu trúc bề ngoài vẫn không thay đổi”.

Chúa Kitô làm cho chúng ta hoàn toàn được tự do. “Chúng ta không phải là những kẻ nô lệ của vũ trụ này”, hay của “những thứ luật lệ về vật chất và tiến hóa”. Chúng ta tự do vì “trời không phải là những gì trống không”, vì Vị Chúa của vũ trụ này là Thiên Chúa “Đấng đã tỏ Mình là Tình Yêu nơi Chúa Giêsu”.

Chúa Kitô là “triết gia đích thực”, Đấng “nói với chúng ta về con người thực sự là ai, và con người cần phải làm gì để thực sự là người”. Người tỏ cho chúng ta thấy “con đường vượt trên cả sự chết; chỉ có ai làm được điều này mới là một vị sự phụ thực sự của đời sống”. Người cống hiến cho chúng ta một niềm hy vọng đó cũng là niềm trông đợi và hiện diện “ở chỗ cái tương lai này làm biến đổi hiện tại”.  

Vị Giáo Hoàng này nhận định rằng “có lẽ nhiều người ngày nay bỏ đức tin vì họ không tìm thấy quan niệm về sự sống đời đời thu hút nữa… Cuôc khủng hoảng đức tin hiện nay” thực sự là một cuộc khủng hoảng về niềm hy vọng Kitô Giáo…. Việc phục hồi Địa Đường bị xẩy mất không còn là những gì được trông đợi bởi đức tin nữa”, thế nhưng, bởi sự tiến bộ về kỹ thuật và khoa học, đến nỗi người ta tin rằng sẽ xuất phát một “vương quốc con người”. Bởi thế niềm hy vọng trở thành “đức tin tiến triển” được xây dựng trên hai cột trụ là lý trí và tự do, những gì  “có thể tự chúng bảo đảm, nhờ cái thiện hảo nội tại của chúng, một tân cộng đồng nhân loại toàn hảo”.

Vị Giáo Hoàng này đề cập tới “hai giai đoạn chính yếu trong việc hiện thực niềm hy vọng về chính trị này” đó là Cách Mạng Pháp và Cách Mạng Mát-Xít. Đối diện với cuộc Cách Mạng Pháp, “Âu Châu của Thời Minh Tri… đã gây ra việc tái phản tỉnh về lý trí và tự do”, trong khi đó cuộc cách mạng vô sản đã lưu lại “một vệt dài cuộc hủy hoại kinh hoàng”. Cái sai lầm trầm trọng của Marx là vì “ông đã quên con người và ông ta đã quên đi cái tự do của con người…  Ông ta nghĩ rằng một khi kinh tế được giải quyết thì hết mọi sự tự động cũng sẽ đâu vào đó. Cái sai lầm thực sự của con người đó là chủ nghĩa duy vật… Vấn đề đối với chúng ta lại rất đơn giản, đó là con người cần Thiên Chúa, bằng không họ vẫn chẳng có hy vọng gì… Con người chẳng bao giờ chỉ có thể được cứu chuộc” bằng một cơ cấu ngoại tại, “con người được cứu chuộc bằng tình yêu”, một tình yêu tuyệt đối vô vị lợi: “Niềm hy vọng chân thực cao cả của con người được mạnh mẽ nắm giữ bất chấp tất cả mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi – Vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta cho tới cùng”.

Thế rồi Đức Giáo Hoàng nêu lên 4 “môi trường” học hỏi và thực hành hy vọng. Trước tiên là cầu nguyện. “Khi không có ai lắng nghe tôi nữa thì Thiên Chúa vẫn lắng nghe tôi…. Khi không còn ai giúp đỡ tôi nữa,… thì Ngài có thể hỗ trợ tôi”.

Đi đôi với nguyện cầu là hoạt động: “Niềm hy vọng theo chiều hướng Kitô Giáo bao giờ cũng là niềm hy vọng đối với kẻ khác nữa. Nó là một niềm hy vọng tích cực, nhờ đó chúng ta tranh đấu… hướng tới một thế giới nhân bản hơn và sáng sủa hơn”. Tuy nhiên, chỉ khi nào tôi biết rằng “đời sống của tôi và lịch sử nói chung… được bảo đảm một cách vững chắc bởi quyền lực bất khả hủy diệt của Tình Yêu, tôi mới có thể luôn tiếp tục hy vọng mà thôi”.

Chịu đựng khổ đau là một trong những “môi trường” để học hỏi hy vọng. “Chắc chắn chúng ta cần phải làm những gì có thể để giảm bớt khổ đau”, tuy nhiên “chúng ta được chữa lành không phải bằng cách tránh né hay tẩu thoát khỏi khổ đau, mà bằng khả năng chấp nhận nó, trưởng thành nhờ nó và tìm thấy ý nghĩa qua mối hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng đã chịu khổ đau b ằng mối tình yêu thương vô cùng bất tận”. Một khía cạnh quan trọng khác là chịu khổ đau với người khác và cho người khác. “Một xã hội không thể chấp nhận các phần tử đau khổ của mình… là một xã hội dã man và bất nhân”, ngài viết.  

Sau hết, một môi trường để học hỏi niềm hy vọng đó là phán quyết của Thiên Chúa. “Vấn đề ở đây là có việc phục sinh của thân xác. Có công lý. Có ‘việc làm đồi bại’ khổ đau đã qua, có việc bù đắp để chỉnh trang mọi sự”. Đức Giáo Hoàng đã viết về niềm xác tín của mình rằng “vấn đề công lý làm nên một lập luận thiết yếu, dù sao cũng là một lập luâ 5n mạnh mẽ nhất, thuận lợi cho niềm tin tưởng vào sự sống đời đời”. Thật vậy, không thể nào “cái bất công của lịch sử lại là phán quyết cuối cùng… Thiên Chúa công minh và thiết lập đức công bình… Và nơi sự công chính của Ngài có cả ân sủng nữa… Ân sủng không hủy hoại công lý… Thành phần hành ác, cuối cùng, không ngồi vào bàn tiệc đời đời bên cạnh những nạn nhân của họ chẳng phân biệt gì hết, như thể chẳng có gì xẩy ra cả”.  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 30/11/2007

 

Giới Thiệu Bức Thông Điệp “Spe salvi" về Niềm Hy Vọng Cứu Độ của ĐTC Biển Đức XVI

Tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh sáng ngày 30/11/2007 đã diễn ra một cuộc ra mắt bức thông điệp thứ hai của ĐTC Biển Đức XVI về đề tài niềm hy vọng của Kitô giáo, dưới nhan đề “Spe salvi”, với sự hiện diện của các ĐHY Georges Marie Martin Cottier, O.P., thần học gia hưu trí của Giáo Hoàng Gia, và Albert Vanhoye, S.J., giáo sư hưu trí về khoa dẫn giải Tân Ước của Giáo Hoàng Học Viện  Thánh Kinh.

Trong bài nói của mình, ĐHY Cottier đã giải thích cho biết lý do tại sao “niềm hy vọng Kitô Giáo đã từng là chủ đề cho những lời phê bình chỉ trích gay gắt hơn bao giờ hết”, ở chỗ, “nó chỉ là cá nhân chủ nghĩa thuần túy, khi Kitô hữu cứ khăng khăng bám vào một thứ cứu độ chuyên biệt và riêng tư, mặc kệ thế giới khốn khổ”.

Vị hồng y nói: “Một vấn nạn vẫn còn đó, một vấn nạn không thể nào tránh né, đó là làm thế nào tâm tưởng ấy lại xuất phát nơi Kitô Giáo, một tâm tưởng tìm cầu ơn cứu độ lại trở thành một tìm cầu vị kỷ không chịu phục vụ người khác chứ?”

Những vấn nạn mới “đã gây một ảnh hưởng quan trọng nơi cuộc khủng hoảng tân tiến về đức tin và đức cậy của Kitô Giáo”, và làm xuất phát “một hình thức hy vọng mới được gọi là ‘niềm tin tưởng vào tiến bộ’ hướng tới một thứ thế giới mới, thứ thế giới của vương quốc con người’”.

Vị hồng y cắt nghĩa thêm: “niềm tin tưởng vào tiến bộ này đã trở thành một niềm xác tín chủ chốt hơn bao giờ hết của thời tân  tiến và có hai loại đang càng ngày càng trở thành tâm điểm cho ý nghĩa tấn tiến, đó là lý trí và tự do”. Bởi thế, vị hồng y này nói tiếp, “lý trí được coi như là một khả năng của sự thiện và cho sự thiện”, và tiến bộ, khi “thắng vượt được tất cả mọi hình thực lụy thuộc”, đang “tiến tới chỗ hoàn toàn tự do. Theo chiều hướng đó thì tự do như là một hứa hẹn cho tình trạng hoàn toàn hiện thực con người”.

Sau khi nhấn mạnh đến “tình trạng khủng hoảng về niềm hy vọng Kitô Giáo trong nền văn hóa tân tiến, và việc nó được thay thế bằng niềm tin tưởng vào tiến bộ”, ĐHY Cottier tiến đến một “vấn nạn vẫn hằng luẩn quẩn đó là chúng ta hy vọng những gì đây?” Trong bối cảnh đó, ngài nói đến “những đoạn 22 và 23 của văn kiện có một tầm mức quan trọng. Những đoạn này giải thích cho chúng ta mục tiêu thiết yếu của Bức Thông Điệp này theo cả quan điểm về mục vụ và văn hóa”. 

Về phần mình, ĐHY Vanhoye cho thấy phần nhập đề của bức Thông Điệp “đã làm sáng tỏ ngay tầm quan trọng quyết liệt của niềm hy vọng, một tầm quan trọng sau đó còn được lập đi lập lại một số lần nữa. Để có thể đối diện với hiện tại với tất cả những trục trặc và khó khăn của nó, chúng ta chắc chắn cần phải có một niềm hy vọng và là một niềm hy vọng thực sự vững vàng và chắc chắn”.

Ở đoạn 10 đến 12, về vấn đề sự sống đời đời, vị hồng y này nói rằng “Đức Thánh Cha đã sử dụng hiện  thực thuyết sống động để dẫn giải tâm thức hiện  tại của nhiều người. Sự sống đời đời là vấn đề của niềm hy vọng, nhưng nhiều người ngày nay ‘không thấy được cái viễn tượng hấp dẫn của sự sống đời đời. Cái họ mong muốn không phải là sự sống đời đời gì cả mà là sự sống hiện nay… Phải công nhận rằng người ta muốn trì hoãn sự chết lâu bao nhiêu có thể. Thế nhưng, để mãi mãi sống, không cùng – thì điều này, nếu xét đến hết tất cả mọi sự, chỉ có thể là những gì đơn điệu để rồi bất khả kham”.

ĐHY Vanhoye đã cho thấy phần thứ hai của Bức Thông Điệp diễn tả “những môi trường học hỏi và thực hành niềm hy vọng, và nhờ đó đã có một liên hệ trực tiếp và cụ thể với đời sống Kitô hữu. Ba “môi trường” này được nêu lên là “cầu nguyện như là một học đường của niềm hy vọng. Hoạt động và khổ đau như là những môi trường để học hỏi hy vọng. Phán đoán như là một môi trường để học hỏi và thực hành niềm hy vọng”.

Vị hồng y thứ hai này còn nói rằng “Bức Thông Điệp cũng nêu lên cả vấn đề “Chung Thẩm của Thiên Chúa như là một trong những ‘môi trường để học hỏi và thực hành niềm hy vọng, thế nhưng, “có một ý nghĩa hiển nhiên  khác với các ‘môi trường’ khác nhau, vì việc Chung Thẩm không phải là một thực tại hiện tại như việc nguyện cầu hay chịu đau khổ. Tuy nhiên, việc Phán Xét này làm phát sinh niềm hy vọng vì nó sẽ loại trừ đi sự dữ. Ở đây bức Thông Điệp này cống hiến những phản tỉnh sâu xa về vấn đề khủng khiếp của sự dữ và công lý”.                            

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 30/11/2007